Chạy bộ là một môn thể thao rất tốt cho sức khỏe và phù hợp với nhiều lứa tuổi. Thế nhưng không phải bất cứ đối tượng nào cũng có thể chạy bộ. Nếu bạn thuộc nhóm người này nhưng vẫn muốn chạy bộ vì bất cứ lí do gì thì cũng đều phải cân nhắc hoặc dừng lại ngay.
– Những người có tiền sử chấn thương khớp gối, hoặc mắc các bệnh thấp khớp, viêm khớp, thoát vị đĩa điệm ở mức độ NGHIÊM TRỌNG đau nhức dữ dội đều không nên chạy. Riêng người bị bệnh thoát vị đĩa đệm ở mức độ nhẹ có thể chạy bộ chậm, có sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ và nên mang đai bảo vệ lưng khi chạy.
– Ngoài ra những người mới hồi phục sau chấn thương hoặc phẫu thuật cũng không nên chạy bộ và hoạt động mạnh, cần nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tuy nhiên với những người mắc các bệnh/ vấn đề về khớp, chi dưới đều nên vận động thường xuyên ở mức độ nhẹ nhàng như đi bộ hay tập dưỡng sinh, không nên để cơ thể ù lì, ít vận động, xương khớp vì thế cũng sẽ yếu đi, cơ thể suy kiệt.
– Người bị bệnh tim: Chỉ cần hoạt động mạnh người mắc vấn đề về tim đã có thể có những triệu chứng như tức ngực, thở dốc, nhịp tim tăng nhanh. Vì thế những người này không nên chạy bộ để tránh hiện tượng loạn nhịp tim, tăng huyết áp, ngất xỉu ngay tại chỗ mà nên đi bộ, vận động nhẹ nhàng thường xuyên để tốt cho tim mạch.
– Người bị bệnh tiểu đường: Cũng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và triệu chứng của bệnh tiểu đường để bạn quyết định có nên chạy bộ hay không. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có ý định chạy bộ. Với những người mắc bệnh này tốt nhất các bạn nên đi bộ để vừa vận động tăng tuần hoàn máu, điều hòa chuyển hóa vừa cải thiện chức năng hô hấp.
– Người bị bệnh gan giai đoạn 3 – suy gan: Với giai đoạn 1 – viêm nhiễm gan, giai đoạn 2 – gan xuất hiện sẹo thì các bạn vẫn có thể chạy bộ ở tốc độ chậm, kế hoạch điều độ, phù hợp – rất có lợi sức khỏe. Nhưng riêng giai đoạn 3 – suy gan và giai đoạn phục hồi trở về sau thì tuyệt đối không được chạy bộ. Hãy quay lại chạy bộ khi bệnh tình đã thuyên giảm.
Dung Nguyễn