Giày chạy bộ và giày tập luyện – sự khác biệt không quá nhiều giữa hai loại giày này vẫn khiến không ít người nhầm lẫn khi chọn lựa. Khi nào nên chọn giày chạy bộ? Khi nào chọn giày tập luyện? Sự khác biệt giữa chúng là gì? Có lẽ nên tìm hiểu một chút.
Công dụng chính là điểm khác biệt căn bản nhất ở hai loại giày này. Giày chạy bộ dùng cho mục đích chạy bộ còn giày tập luyện hiển nhiên chỉ dùng để tập luyện mà thôi. Vì sao lại như vậy? Tại sao chúng không thể thay thế cho nhau mặc dù trông chúng không khác biệt nhau quá nhiều. Thực chất cái chúng ta nhìn thấy chỉ là vẻ ngoài của đôi giày nhân tố quyết định nắm ở thiết kế bên trong cũng như những công nghệ mà chúng sở hữu.
Thêm vào đó, chuyển động cũng như các động tác của cơ thể khi chạy bộ và tập luyện các môn tập là hoàn toàn khác nhau vì thế khó lòng thay thế cho nhau trong hầu hết trường hợp. Khi chạy bộ chuyển động cơ thế thường theo phương thẳng đứng hoặc hơi hướng về phía trước, không có nhiều thay đổi chuyển động liên tục trong quá trình chạy, do đó thiết kế của giày chạy bộ chỉ được thiết kế tối ưu nhất cho cho chuyển động này. Trong khi đó, khi bạn tập luyện ví dụ như chơi thể thao hoặc tập trong phòng gym, các bài tập đòi hỏi những chuyển động phức tạp và sự thay đổi liên tục trong các động tác vì thế đôi giày tập luyện luôn phải đáp ứng được các chuyển động đa chiều.
Điều này có đưa đến một kết luận: chọn giày tập luyện tốt hơn giày chạy bộ? Không hẳn. Dù được coi là đôi giày đa di năng nhưng trên các đường chạy, chỉ có những đôi giày chạy bộ mới là hoàn hảo. Giày tập luyện dễ khiến bạn gặp phải chấn thương khi chạy hơn.
Phải công nhận rằng không hề dễ dàng để phân biệt giày chạy bộ và giày tập luyện nhưng không phải là không thể. Có một số mẹo giúp bạn khi phân biệt chúng.
Tên của đôi giày
Số này khá ít nhưng vẫn có. Ở một số đôi giày chạy bộ cũng như giày tập luyện nhà sản xuất thêm cả chữ “run” hoặc “rn”(với giày chạy bộ) và “train” (với giày tập luyện) để thể hiện rõ công dụng của chúng. Ví dụ như Nike Free Rn 2018, Nike Free Run Motion Flyknit hoặc Nike Free Trainer V7 NFL.
Phần đế giày
Nâng đỡ, hỗ trợ và giúp bàn chân thoải mái nhất khi chạy vì thế đế giày luôn là bộ phận được chú trọng nhiều nhất ở một đôi giày chạy bộ. Phần mũi và gót giày thường được bổ sung 2 miếng lót cao su tăng độ êm ái cho chân cũng như tăng sự bảo vệ hai bộ phận phải chịu nhiều áp lực nhất khi chạy. Đế của giày chạy bộ cũng được thiết kế cao dần về phía gót cho phép nâng cao độ chống sốc và tạo đà mạnh mẽ cho mỗi bước chạy. Phần đề này còn được hơi uốn cong tạo thành một vòng cung hướng lên phần mũi giày.
Đế giày tập luyện cũng có lớp lót cao su nhưng lót lớp này không nằm ở mũi và gót mà trải dài trên toàn bộ đế giày. Việc phải đáp ứng các chuyển động đa chiều thay đổi liện tục khiến cho đế giày phải nâng đỡ và bảo vệ mọi phần của đôi chân vì thế lớp cao su cũng cần nhiều hơn. Đó cũng là lý do bạn sẽ thấy giày tập luyện thường nặng hơn giày chạy bộ. Khác với giày chạy bộ chịu áp lực từ dưới lên thì giày tập luyện lại thường phải chịu áp lực từ trên xuống, vì thế mỗi đôi giày tập luyện cần có sự vững chắc và ôn định cao đặc biệt là những đôi giày dùng cho tập gym. Đế giày tập luyện vì thế cũng thấp và cân bằng hơn, rất ít đôi có thiết kế cao dần về gót như giày chạy, phần đế thường trông bè hơn.
Thân giày
Chất liệu nhẹ, bền, thoáng khí thường được ưu tiên sử dụng cho giày chạy bộ để đôi chân vận động dễ dàng và linh hoạt nhất. Upper thường tập trung bảo về nhiều phần mũi chân.
Giày tập luyện lại chọn lựa những chất liệu cứng, dày và ôm sát chân hơn, bảo vệ nhiều phần cổ chân vì thế phần cổ của giày tập luyện khá dày dặn.
Bạn có thể sử dụng giày tập luyện ở các phòng tập, chơi thể thao hay tập thể dục nhưng nếu ý định của bạn với chạy bộ là nghiêm túc thì đừng quên chỉ chọn giày chạy bộ thôi nhé. Bất cứ đồ vật nào cũng chỉ hoạt động tốt nhất khi bạn sử dụng nó vào đúng mục đích mà nó được tạo ra, những đôi giày cũng vậy. Chúc bạn chọn lựa được đôi giày tuyệt nhất dành cho mình từ những mẹo nhỏ trên nhé.
Phương Thảo